GIẢNG VIÊN

Thầy Quản Quới - Nhân kiệt một thời

16/08/2012

Nguyễn Yên Tri, bài viết đăng trong cuốn "100 năm hình thành và phát triển" của Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai


Năm 1903, viên quan cai trị tỉnh Biên Hòa (dân gọi là Chánh tham biện sau này là tỉnh trưởng) Alphonse Chesne cho mở Trường Bá nghệ (école professionnelle: trường dạy nghề) gồm các ngành: rèn sắt, đúc đồng, mộc (đóng đồ gỗ, chạm gỗ, tiện) đan lát mây tre lá, nữ công gia chánh (khâu vá, thêu, dệt thảm, giặt ủi…). Giáo sư giảng dạy mỹ thuật là người Pháp được mời từ Hà Nội vào, việc dạy nghề do các nghệ nhân địa phương và người Hoa lành nghề đảm trách.

Ông Đặng Văn Quới sinh năm 1888 (Mậu Tí) ở làng Bình Long, tổng Chánh Mĩ Thượng (nay thuộc phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa) là lớp học sinh đầu tiên của trường.

Thầy Đặng Văn Quới và sản phẩm đúc năm 1922

(Ảnh: My Tan, facebook Ban liên lạc Cựu HSSV Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai)

Thân sinh ông gốc Hoa sang ta đã mấy đời, sống bằng nghề làm ruộng dưới Tam An, Tam Phước (quận Long Thành), gia tư bậc trung. Trường mở ra, ông xin vào học thì cha ngăn cản:

- Sao không ở nhà mà lo làm ruộng, bộ mày tính đi học để rồi cạp đất để sống hả?

Hồi đó các nhà khá giả hoặc có học chữ Nho ở Biên Hòa không mấy ai muốn cho con đi học trường nhà nước do Tây mở. Tinh thần yêu nước bất hợp tác với giặc còn chan chứa trong lòng nhân dân. Gia Định báo (số ngày 16/11/1869) trấn an các bậc cha mẹ: ”Ngỡ là cho con đi học làm vậy thì sợ e nhà nước bắt con mình mà đem đi về Tây hay thuộc về nhà nước … nhứt là các nơi xa ruộng nương, rẫy bái, hễ có trát sức đòi học trò, thì cha mẹ đà xạo xự làm quá hơn là sợ bắt lính, lo chạy mướn đứa nọ đứa kia con nhà nghèo cho nó đi thế con mình”.

Cậu Quới nhập Trường Bá nghệ lúc mới biết tròm trèm chữ quốc ngữ. Giáo sư Pháp giảng bài có thông ngôn (phiên dịch). Vì ham học, cậu xin ở luôn nội trú tuy nhà chỉ cách trường khoảng hai cây số.

Là người sáng dạ và có hoa tay, các bài vẽ, nặn, khắc của cậu thường được điểm cao. Thủa ấy, cậu học trò được học bổng ba đồng rưỡi (mua được một tạ rưỡi gạo) sống thoải mái. Cậu học được khoảng một năm, một bữa viên chủ tỉnh Chesne đi thăm lớp. Trường nằm trong khuôn viên toà bố (nay là trụ sở UBND tỉnh), cách nơi làm việc của ông ta vài chục mét. Ông ta yêu cầu thầy và trò thử thi nặn, khắc: thầy nắn tượng trò, trò nắn tượng thầy. Ít bữa sau ông ta xuống kiểm tra thì tượng của cậu Qưới được chấm nhất. Cậu được khen ngợi và đặc cách nhận học bổng gấp đôi.

Có lẽ trong lịch sử học nghề nước ta, cậu học trò Đặng Văn Quới là trường hợp hiếm có: được đề bạt làm giám đốc công (contre maitre) ngày 1/8/1908, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bằng tốt nghiệp của Đặng Văn Quới (1909)

(Tư liệu trong bài viết "Đúc đồng mỹ nghệ Biên Hòa" , tác giả Nguyễn Minh Anh, Tạp chí Mỹ thuật, đăng online ngày 11/12/2019)

Tốt nghiệp, anh được giữ lại để trông coi hướng dẫn học trò các lớp dưới, trở thành người thầy dạy nghề đầu tiên được đào tạo và có văn bằng chính qui do nhà nước cấp, từ đó được gọi một cách tôn kính là thầy Nhứt, là thầy quản Quới (quản: trông coi), Tay nghề rèn luyện ngày càng cao, thầy nhận vẽ truyền thần, ăn công mỗi tấm 15 đồng, mỗi tháng chỉ cần vẽ hai bức thì gia đình dư ăn xài.

Tượng Pétrus Kí nắn xong, các con ông công nhận thiệt giống và có hồn, nhờ thầy Nhứt đúc đồng luôn. Tác phẩm hoàn thành, nay còn bày tại nhà lưu niệm Trương Vĩnh Kí.

Thầy tự tay nắn và đúc tượng song thân, vẽ mẫu và chỉ đạo học trò ban Đúc làm bộ lư hương đồng, hiện nay con cháu giữ làm của gia bảo.

Bộ lư hương (mẫu sáng tác của Đặng Văn Quới năm 1925)

(Tư liệu trong bài viết "Đúc đồng mỹ nghệ Biên Hòa" , tác giả Nguyễn Minh Anh, Tạp chí Mỹ thuật, đăng online ngày 11/12/2019)

Năm 1937, một người Khmer tên là Kìa tìm được pho tượng Phật bị gãy làm tám đoạn ở giồng Lưu Nghiệp An, tổng Ngãi Hòa thượng, tỉnh Trà Vinh. Ông ta tặng cho nhà sư Trần Văn Bích mang về Trà Cú. Năm 1942, nhà sư bằng lòng dâng tượng Lokecvara gãy làm tám cho Viện bảo tàng Sài Gòn. Viện cho mời hàng chục nghệ nhân tới tìm cách chữa, thảy đều từ chối, thầy Nhứt tìm ra chất hàn phù hợp, sau khi gắn và làm tiệp màu, nhìn vào khó phát hiện tì vết, pho tượng tưởng như làm từ vật liệu đồng chất.

Do tận tụy giảng dạy, năm 1921 thầy được phủ Toàn quyền Đông Dương thưởng huy chương bạc Danh dự hạng nhì. Năm 1924, Bộ Giáo dục Pháp tặng thầy bằng khen và thưởng huy chương Viện Hàn lâm.

Lứa đàn em học mỹ nghệ là các ông Hai Kéo, Hai Đôi, Tư Lới, Tư Thường, Tư Phải, Sáu Tá, Mười Ruộng … nay không còn ai. Học trò loại giỏi có các ông Hai Hộ, Năm Tâm, Năm Đồng, Năm Ơn (là con rể, có lúc làm hiệu trưởng Trường Mỹ nghệ), Sáu Sảnh, Sáu U, Bảy Tây, Tám Yến, Chanh, Thứ … trở thành thợ chánh vào thập niên 30, 40 có các ông Hia Đắc, Hia Ngọc, Hai Bồi, Ba Trầm, Ba Cứ, Hồng Nghi, Tư Phòng, Tư Mã, Năm Chôm, Sáu Lễ, Chín Bi, Mười Ki, Một Cang… nay chỉ còn vài vị đều ngoài 80. Học trò Mỹ nghệ ra trường thì hoặc làm trong hợp tác xã mỹ nghệ hoặc làm cho các chủ lò.

Thầy Đặng Văn Quới qua đời ngày 12 3- 1955 (19 tháng hai Ất Mùi) thọ 68 tuổi trong niềm tiếc thương của bao thế học trò mỹ nghệ Biên Hòa. Thầy là bàn tay vàng, là nhân kiện một thời.