Con đường di sản Gốm truyền thống Nam bộ
Trương Đức Cường
06/04/2025
Việt Nam có hàng nghìn năm lịch sử. Gốm đã đồng hành cùng lịch sử dân tộc bằng rất nhiều sản phẩm đã được khai quật tại Hòa Bình, Bắc Sơn, Quảng Yên và Thanh Hóa, Quảng Nam, Bình Thuận, Đồng Nai, Vĩnh Long từ các thời văn hóa Phùng Nguyên, Văn hóa Đông Sơn và văn hóa Chăm Pa…từng loại sản phẩm, có niên đại khác nhau. Nhưng đến thế kỷ X trở đi, dấu ấn của gốm Việt đã được định hình một cách rõ nét, có giá trị nghệ thuật và giá trị lịch sử mà thời sau thường nhắc đến gốm đời Nhà Lý, gốm đời Hậu Lê và gốm Chăm Pa, có niên đại hàng ngàn năm. Công nghệ làm gốm chỉ là sự “truyền nghề” của thế hệ trước cho thế hệ sau, sản phẩm hiện nay chúng ta biết đến đều khuyết danh. Và duy nhất từ đầu thế kỷ XX có một ngôi trường đào tạo nghề gốm đầu tiên và duy nhất của xứ Nam Kỳ xuất hiện do người Pháp thành lập vào năm 1902 đến tháng 5/1903 mới đi vào hoạt động tại Đông Nam Bộ với tên gọi Trường dạy nghề Biên Hòa sau đó đổi tên thành Trường Mỹ nghệ bản xứ Biên Hòa (người dân bản xứ thường gọi trường Bá nghệ Biên Hòa). Công nghệ làm gốm đã đảm bảo tính khoa học, có quy trình, có giáo trình để giảng dạy và học tập, có đội ngũ giáo viên lành nghề đưa công nghệ kỹ thuật phương Tây kết hợp với nghệ thuật trang trí truyền thống phương Đông với sự sáng tạo tài hoa của người thợ bản xứ thời bấy giờ, dòng gốm Biên Hòa - Đồng Nai đã xuất hiện.
Con đường di sản gốm Biên Hòa sẽ còn hiện hữu ngoài những tác phẩm độc bản của các thế hệ học trò ngành gốm với hàng ngàn sản phẩm được trưng bày, nhiều sản phẩm đã được mã hóa tại phòng truyền thống là không gian thân quen mà lâu nay chúng ta biết đến, thì không gian trải nghiệm mới tạo nên điểm đến của gốm Biên Hòa là không gian ngoài trời bằng hệ thống tượng được thể hiện trên chất liệu gốm nghệ thuật một lần nữa khẳng định đời sống tinh thần của con người Việt Nam rất phong phú, yêu con người, yêu cuộc sống, hòa quyện cùng thiên nhiên cỏ, cây, hoa, lá, biểu hiện rất sinh động.
Điểm nhấn của gốm Biên Hòa là con đường gốm trong không gian gần 1000m2 tái hiện đậm nét nơi sinh ra nghề làm gốm Nam Kỳ: Điểm đến là một cổng chào gốm ấn tượng bởi gốm cũ và thảm hoa, được thiết kế theo phong cách dân tộc hiện đại. Vào trong không gian trải nghiệm, phía bên trái là tranh bích họa có chiều dài 75m, diện tích được mô tả cảnh trí hơn 200m2 miêu tả nghề làm gốm xưa với phương tiện vận chuyển thô sơ bằng sức kéo, nơi tập kết gốm xưa xếp chồng thành núi, tiếp theo là tranh bích họa về Hà Nội nơi sinh ra làng gốm Bát Tràng, sản phẩm gốm có mặt trong Hoàng Thành Thăng Long, là di sản Văn hóa thế giới, đến nay gốm Bát Tràng đã và đang phát triển rực rỡ và tháng 2 năm 2025 đã được công nhận làng nghề thủ công thế giới. Nối Hoàng Thành Thăng Long đến trung tâm Hà Nội là cầu Long Biên vẫn hiện hữu, có trên 120 năm tuổi do người Pháp xây dựng, cây cầu không chỉ là kiến trúc độc đáo mà còn là nhân chứng lịch sử của Hà Nội trong hai cuộc kháng chiến. Tiếp đến là không gian Ninh Thuận được diễn tả qua hình ảnh của một Tháp Chàm không còn nguyên vẹn, nơi sinh sống của tộc người Chăm, đang duy trì nghề gốm Bàu Trúc, nghề gốm được thế giới công nhận là di sản văn hóa của tộc người Chăm. Tiếp nữa chính là ngôi trường dạy nghề thủ công mỹ nghệ, tốp đầu tiên của Nam Kỳ do người Pháp xây dựng năm 1902 đào tạo nhiều nghề trong đó có gốm mà nhân dân vùng Nam Kỳ thường gọi là Trường Bá nghệ Biên Hòa, được kết nối hài hòa bởi cầu ghềnh bắc qua sông Đồng Nai từ năm 1904, đây là biểu tượng của Biên Hòa, mối giao thương quan trọng đường sắt theo hướng bắc nam nối chiều dài đất nước. Đến phần sau của tranh bích họa là cảnh thiên nhiên hùng vỹ, sơn thủy hữu tình của rừng Nam Cát Tiên, thác mơ và Bửu Long (mô tả Hạ Long của phương nam) được các thế hệ học sinh sinh viên nhà trường thi công trong thời gian ngắn chỉ có 20 ngày cả duyệt thiết kế và thi công.
Bên phải không gian trải nghiệm là những mô hình, tiểu cảnh mô tả nghề làm gốm, thuyền vận chuyển, lò dài xưa, toàn bộ hệ thống máy móc, phương tiện làm đất, lọc đất, nén đất và ép đất, tiếp nữa là không gian của gốm Bát Tràng được giới thiệu là một số sản phẩm đặc trưng của gốm Bát Tràng, diễn tả qua chất liệu gốm từ người nông dân rất quen thuộc với người dân Việt Nam như Thị nở, Chí Phèo, Lã vọng… song không thể thiếu được người nông dân thổi sáo trên lưng trâu, gắn với cơ nghiệp của người nông dân. Điểm nhấn của Bát Tràng là một số tác phẩm gốm nghệ thuật do các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú của Hà nội giới thiệu bộ sưu tập gồm có: tranh thư pháp, đồ thờ cúng tổ tiên, hệ thống bình và những sản phẩm gốm nghệ thuật khác mang đặc trưng riêng có của gốm Bát Tràng được bài chí trong không gian gốm Bát Tràng.
Gốm Bát Tràng đa dạng về kiểu dáng, màu sắc và phong cách, chia thành nhiều loại khác nhau. Với đất sét đặc trưng từ cát phù sa sông Hồng, các nghệ nhân tài năng tạo nên những sản phẩm tinh xảo bằng đôi bàn tay khéo léo. Quá trình tráng men cũng đa dạng với nhiều loại men khác nhau như men tro, men lam, men nâu,... tất cả được chọn lọc một cách tỉ mẩn và cẩn thận.
Đến với mô hình gốm Bàu Trúc được diễn tả bằng các cụm gốm, mô phỏng hệ thống tháp (tháp ponagar, tháp lửa) và các cụm sản phẩm tinh thần múa Ápsara, trống Paranưng, trống Ghi năng kèn Saranai và hệ thống bình, chóe, chum, vại gắn bó với đời sống vật chất và tinh thần của người Chăm. Sản phẩm gốm đều được tạo hình hoàn toàn bằng tay, không sử dụng bất kỳ máy móc nào. Các nghệ nhân tại đây vẫn sử dụng kỹ thuật quay gốm bằng tay, trang trí các hoa văn theo phong cách riêng của người Chăm, cách nung vẫn làm lộ thiên bằng củi, rơm, trấu
Không gian của gốm Biên Hòa là những mẫu mới, có kiểu dáng giao thoa kết hợp tân cổ điển và hiện đại được các nghệ nhân làm nghề gốm Biên Hòa giới thiệu bộ sưu tập kết hợp hài hòa giữa gốm nghệ thuật và gốm tiêu dùng, màu sắc rực rỡ, được trạm, khắc, tô men mang đặc trưng riêng có của gốm Biên Hòa.
Gốm Biên Hòa là sự hòa quyện tài tình giữa đất, nước và lửa, tạo nên những sản phẩm đặc trưng bản sắc, điểm tô cho văn hóa Việt; là sản phẩm giao thoa giữa ba dòng gốm của người Việt, người Hoa và người Chăm và hiện nay đã đạt những đỉnh cao về kỹ thuật lẫn mỹ thuật.
Điểm nhấn đậm chất học thuật mang khuôn mẫu đặc trưng của một nhà trường có bề dày truyền thống dạy học trong sự sáng tạo và rất ngẫu hứng của thầy và trò Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Khác với không gian trưng bày trong Bảo tàng Nhà trường lưu trữ thì không gian mới này được trưng bày một số bộ sưu tập của các thế hệ học sinh sinh viên mang tính độc bản, miêu tả mọi mặt đời sống xã hội với hơi thở, nhịp điệu mang sức sống tươi trẻ của cái gốc xưa và cái hiện đại được mô phỏng trong không gian 50m2.
Để có nơi thả hồn vào “đất”, không gian dành cho học sinh sinh viên và nghững người có thời gian trải nghiệm nghề gốm có hơn 400m2 để thực hành nghề như: xoay gốm, nặn gốm, tô men, phơi sản phẩm và nơi nung sản phẩm. Không gian này được đầu tư trên 2 tỷ VNĐ để người dạy và người học nghề thả sức đam mê, gắn học với thực hành, không gian thoáng mát lý tưởng cho mọi đối tượng trải nghiệm.
Biên Hòa – Đồng Nai, điểm đến không gian trải nghiệm mới, nơi ươm mầm cho nghề gốm tiếp tục phát huy và phát triển theo chủ trương của Đảng “văn hóa còn là dân tộc còn”, bản sắc văn hóa làm nghề gốm truyền thống sẽ là nơi ươm mầm cho những người có đam mê và ấp ủ tình yêu gốm được thể hiện. Một lần nữa nghề gốm đã được chú trọng, đẩy mạnh cho sự phát triển nghề truyền thống và tiếp nối cơ hội để những hoạt động sáng tạo tiếp tục được tham gia những cuộc triển lãm quốc tế như Nhà trường đã từng làm trong thế kỷ trước, giới thiệu về cái nơi chúng ta đã từng tự hào về “tình yêu từ đất” “thổi hồn cho đất” với thế giới. Nghề gốm của Biên Hòa sẽ là động lực cho sự phát triển “riêng có” của khu vực Nam Bộ như chúng ta đã và đang thực sự coi trọng, đặt đúng vị trí di sản làng nghề cho gốm.
Một tương lai không xa, chúng ta sẽ tự hào vì có những giải pháp để hạn chế nguy cơ mai một của gốm Biên Hòa sau những năm đổi mới đất nước. Trách nhiệm lớn đặt lên vai thế hệ hôm nay trong việc bảo tồn di sản. Hành động đúng khi có cơ hội với một di sản văn hóa làng nghề, biến di sản thành tài sản riêng có của Nam Bộ. Những người yêu gốm luôn tâm huyết thổi hồn để nghề truyền thống còn được lan tỏa. Hành trình hy vọng, mơ ước “Con đường gốm Biên Hòa” đã được hình thành, tiếp nối cho sự hòa nhập quốc tế cùng ngành công nghiệp không khói sẽ là hướng phát triển của Nam Bộ nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Một số hình ảnh con đường Di sản Gốm